Hiện nay, việc lựa chọn một sản phẩm chuột với những người mới bắt đầu vẫn là một trở ngại khá lớn khi ở rất nhiều mức giá khác nhau lại có từng dòng khác nhau với một mục đích sử dụng là khác nhau. Có 2 loại chuột cơ bản hiện nay là chuột với form đối xứng, và chuột theo form công thái học. Trong bài viết ngày hôm nay, mình sẽ phân tích “vì sao bạn nên lựa chọn một sản phẩm chuột công thái học” và gợi ý cho các bạn những mẫu chuột công thái học nên dùng trong từng tầm giá nhé.
- Vì sao nên chọn chuột Công Thái Học ?
Như các bạn đã biết, trên thị trường hiện nay có 2 kiểu chuột cơ bản đó chính là đối xứng và công thái học – tức là chỉ dùng cho người thuận tay phải. Mỗi một dòng chuột khác nhau lại có kích thước và đặc điểm khác nhau, nhưng có thể tóm gvọn lại rằng 2 kiểu dáng trên là phổ biến và được ưa dùng hơn cả. Thế nhưng, bằng việc đã qua phỏng vấn và làm một cuộc khảo sát với khá nhiều người, cũng như một số đồng nghiệp của mình có feedback thì việc sử dụng một con chuột công thái học sẽ khiến cho cảm giác sử dụng tổng thể là thoải mái và sẽ dùng được lâu dài. Có thể lấy ví dụ như một con chuột với form công thái học gọi là “quốc dân” dành cho anh em game thủ, đó chính là dòng EC của Zowie. Khi nói về Form, chắc chắn sẽ không có nhiều thứ để nói ngoại trừ những tính từ “Siêu dễ cầm, huyền thoại …” khi đây là một trong những con chuột gaming công thái học đầu tiên trên thế giới, và được ưa thích qua nhiều thế hệ. Sở dĩ mình lấy ví dụ với dòng EC này vì hiện nay có khá nhiều hãng đã copy, học hỏi theo kiểu dáng này vì sự thoải mái mỗi khi sử dụng mà nó đem lại.
Với những con chuột như vậy, đặc điểm đầu tiên là nó sẽ có 2 phần main click không đều nhau, một bên cao một bên thấp, làm như vậy vì mỗi khi bạn click chuột và cầm chuột thì ngón giữa sẽ có xu thế vồng xuống nhiều hơn để có thể ôm lấy phần click, cũng như để tạo một điểm tựa tốt nhất cho các phần ngón tay còn lại. Các dòng chuột CTH truyền thống thường sẽ có phần lưng gồ lên cao nhất ở giữa chuột, vì nó được sinh ra chủ yếu cho kiểu cầm palm grip – dùng cả bàn tay để ôm lấy toàn bộ thân chuột. Hiện cũng đã có một số biến thể chuột làm phần lưng cong và thoải hơn nhiều ở phần phía sau, giúp cho bạn có thể cầm nhiều kiểu hơn với các dòng gaming mới được nghiên cứu và sản xuất như vậy.
Nhưng đặc điểm chung mà tất cả các phiên bản dù là mới hay cũ của từng hãng khác nhau đều có, đó chính là khi lật chuột lên và nhìn từ mặt dưới, đều có các đường cong và hõm vào hoặc phình ra ở nhiều chi tiết, chẳng hạn như với điểm tiếp xúc là ngón cái ở phía phải chuột, bao giờ cũng được gọt sâu vào hơn để ngón cái của bạn có một điểm tựa chắc nhất, hoặc như bên phải thì ngón nhẫn của bạn sẽ được tựa vào một điểm gọt vào trong tương tự như vậy. Điều này sẽ khiến cho bạn cảm thấy thoải mái, dễ chịu hơn khi sử dụng chơi game trong khoảng thời gian dài, điều mà một số dòng chuột đối xứng không thể đáp ứng được.
Không chỉ có vậy, đối với những bạn là dân văn phòng, thường xuyên sử dụng chuột ở cường độ cao thì mình cũng để ý rằng, các bạn rất ưa dùng các mẫu công thái học chuyên dụng hơn để làm các công việc tương ứng. Khi ngồi làm việc, không chỉ tư thế ngồi của bạn cần phải đúng và chuẩn mà cách cầm chuột, xử lý các thao tác trên màn hình cũng rất quan trọng và nó đòi hỏi một độ chính xác cao. Những con chuột công thái học đặc trưng và phổ biến, chẳng hạn như dòng MX Master được thiết kế rất tối ưu cho trải nghiệm như vậy.
Khác một chút so với các dòng gaming như đã kể trên, những dòng chuột văn phòng, làm việc này thường sẽ có khá nhiều nút để phục vụ tốt cho đa tác vụ và đa công việc. Chính vì thế, việc sắp xếp tất cả các nút bấm sao cho thuận tiện và vừa tay cũng là một điểm hơn cả của chuột công thái học. Bạn chỉ cần cầm chuột theo một kiểu, không cần di chuyển các ngón tay nhiều mà vẫn có thể sử dụng các nút bấm tương ứng một cách cực kì trơn tru và mượt mà. Ngoài ra, phần bên phải chuột thường sẽ được làm bầu ra và to hơn khá nhiều, khi này không chỉ riêng phần ngón út mà cả cánh tay cũng như phần xương sụn đó của bạn đều được tì đè và áp một lực vừa phải lên toàn bộ phần đó. Do vậy, từ những ưu thế vượt trội trên mà hiện nay tỉ lệ sử dụng và ưa chuộng chuột công thái học ngày càng cao, và các hãng vẫn đang tiếp tục nghiên cứu và cho ra đời thêm nhiều dòng chuột có thể fit vừa vặn với nhiều kiểu tay và từng phong cách sử dụng khác nhau.
Bây giờ mình sẽ đem đến cho các bạn ở trong từng mức giá từ thấp, bình dân cho đến mức giá tầm cao để xem đâu sẽ là các dòng chuột công thái học phù hợp nhất cho bạn. Mình sẽ chia ra thành 2 trường phái đó chính là gaming và làm việc, để các bạn có thể lựa chọn dễ hơn trong từng phân khúc tương ứng
2. Mức giá dưới 500k
Đầu tiên là phân khúc dưới 500k, dành cho gaming thì chắc chắn các bạn sẽ không thể bỏ qua Razer DA Essential, Asus Tuf M3 gen1 và gen 2. Ngày trước ở trong tầm giá này, chỉ có sản phẩm của Razer là đáng mua nhất vì thương hiệu cũng như form cầm DA huyền thoại đã theo chân game thủ ở trong một khoảng thời gian cực kì dài. Thì cho tới thời điểm hiện tại, dòng Tuf mới này của Asus mình cảm thấy cũng là một mẫu rất đáng để sở hữu vì những đặc điểm khá mới lạ. Đầu tiên là form dáng công thái học cơ bản, Với phiên bản m3 gen1, kích thước chiều dài chỉ là 118mm nên khi cầm palm, mình là một người có khổ tay trung bình thì phần ngón tay vẫn sẽ hơi chạm nhẹ vào phần đầu của click, chưa đem lại cảm giác tốt lắm. Tuf m3 gen2 đã khắc phục được điều này bằng việc gia tăng kích thước lên một chút, cụ thể là 123mm giúp cho việc cầm palm ôm sát hết vào phần chuột được trở nên dễ dàng hơn. Phần đuôi chuột được làm vát cong, gồ lên ở phần sau khá nhiều nên sẽ phù hợp cho cả kiểu cầm claw grip nữa. Đặc điểm này sẽ giúp cho những bạn muốn chuyển đổi kiểu cầm thường xuyên cảm thấy không bị cấn tay, dù cầm thế nào cũng vẫn rất thoải mái. Thêm một điểm nữa rất giá trị mà không sản phẩm nào có được, chính là cân nặng chỉ 59g của dòng tuf m3 gen2, biến nó trở thành con chuột nhẹ nhất kể cả lên tới phân khúc 500k . Về kiểu dáng là như vậy còn hiệu năng, vì sản phẩm của Razer và Asus đều sinh ra cho mục đích gaming nên bạn hoàn toàn có thể tin tưởng rằng chơi game fps, moba ở một cường độ bình thường, không quá tryhard thì vẫn rất tốt, đem lại hiệu năng trên giá thành cực kì hợp lý ở thời điểm hiện tại
Còn nếu như bạn là dân văn phòng, không quá quan tâm và chú trọng tới việc chơi game thì sản phẩm chuột HyperWork Silentium là sự lựa chọn hàng đầu không thể bỏ lỡ. Đây là một con chuột công thái học với kích cỡ khoảng tầm trung và nói là hơi nhỏ cũng được. Tuy nhiên với một bàn tay cỡ trung và hơi to như mình, thì việc cầm nắm sản phẩm này ở cả tư thế claw và palm đều cực kì thoải mái, có lẽ là do phần khoét ở khu vực đặt ngón tay cái, và phần click trái phái được làm vát xuống, khiến cho tay đặt lên hay cầm chuột cực kì tự nhiên, cảm giác bạn có thể làm quen ngay từ lần đầu cầm chuột. Tiếp đó, một trong những điểm tạo nên ngoại hình ấn tượng của sản phẩm này là phần cuộn được làm bằng kim loại với màu sáng, nhìn rất sang và mang tới cảm giác cao cấp cho tổng thể phần thiết kế. mặc dù nó vẫn có độ lắc nhẹ, nhưng theo mình như vậy là quá ổn với một sản phẩm có giá 500K. Điểm đặc biệt hơn nữa, HyperWork Silentium là con chuột đem lại nhiều tính năng nhất trong tầm giá mà bạn có thể tìm kiếm, khi nó không chỉ có bluetooth mà còn có cả kết nối 2.4ghz không độ trễ, bằng việc sử dụng cả 2 dongle type C và usb A thường. Chính vì vậy, việc sử dụng với tất cả các thiết bị windows cũng như hệ điều hành IOS là quá đơn giản, chỉ cần plug n play dùng bình thường, đáp ứng đủ rất tốt nhu cầu làm việc lâu dài, khiến bạn cảm thấy rất đã tay.
3. Mức giá 500 đến 1 triệu đồng
Trong phân khúc này, hiện tại chỉ có 2 sản phẩm của Razer là mình cảm thấy đáng mua và xứng đáng nhất với giá trị tương xứng mà bạn có thể nhận được, đó chính là Deathadder V2 và dòng X Hyperspeed. Với DA V2, đây là một con chuột ngày trước có giá khá đắt đỏ vì nó được trang bị tất cả những tính năng và công nghệ cao nhất và thời điểm nó ra mắt, nhưng cho tới thời điểm hiện tại, tất cả mọi thứ đều chưa hề lỗi thời. Từ việc sử dụng sw quang học siêu bền và đem lại trải nghiệm bấm tốt, mắt đọc Focus+ cực kì chính xác cùng chất build chắc chắn thì đây sẽ là một trong những sản phẩm top đầu trong phân khúc nếu bạn cần tìm chuột hiệu năng cao để chơi game theo dạng tryhard. Và đương nhiên, kiểu dáng của DA huyền thoại vẫn được áp dụng từ những đời trước đó, với dòng HyperSpeed không dây cũng được làm giống y hệt như vậy, không hề có sự thay đổi. Với form này, bạn là người có kích thước tay từ trung bình đến lớn thì mới có thể cầm palm, ôm vừa vặn lấy phần thân chuột vì kích thước khá to cũng như phần gồ lên cao hơn khá nhiều so với các dòng chuột CTH phổ thông khác. Dòng HyperSpeed cũng có thêm một đặc điểm khiến cho nó không chỉ chơi game ở mức độ đủ dùng, đương nhiên không thể tốt bằng phiên bản V2 thường nhưng sẽ có không dây ở chế độ wireless 2.4ghz và Bluetooth low latency. Chính vì vậy, bạn vừa có thể chơi game, vừa có thể làm việc văn phòng, sử dụng rất cơ bản các phần mềm chuyên dụng mà không gặp bất kì chút khó khăn nào. Trên phần click chuột trái cũng có thêm 2 nút nhỏ, có thể custom thêm ở trong phần mềm synapse giúp cho tối ưu trải nghiệm ở mức tốt nhất có thể. Nhìn chung, với một brand lớn như Razer mà lại nằm ở phân khúc cũng khá dễ tiếp cận với đại đa số chúng ta thì chắc chắn đây sẽ là những món hàng cực kì hời cho những bạn có yêu cầu bắt đầu dần khắt khe
Thêm một sản phẩm nữa bạn cũng có thể cân nhắc thêm, đó chính là Razer Basilisk V3 phiên bản có dây. Form Basilisk có lẽ đã khá quen thuộc đối với người dùng phổ thông, vì nó luôn được đặt lên bàn cân để so sánh với sản phẩm G502 tới từ Logitech. Với trải nghiệm sử dụng của mình, Basilisk v3 cho lại một cảm giác cầm nắm thực sự tốt hơn khá nhiều, cầm với mọi kiểu vẫn không hề cảm thấy cấn hay mỏi tay, đặc biệt là phần vị trí áp ngón cái được làm to, dày bản nên sẽ tạo được một sự công thái học là tốt nhất. Sản phẩm này được sinh ra không phải cho mục đích chơi game, tuy nhiên bạn vẫn có thể chơi giải chí, chill chill nhẹ nhàng cùng bạn bè mà không lo gặp những hiện tượng lạ về mắt đọc. Một điểm nữa là về phần con lăn, cũng là dạng lăn vô cực có thể tùy chỉnh trên app, và hệ thống led rất đẹp ăn đứt sản phẩm của Logitech nên đây là một sự lựa chọn cực kì hợp lý nếu bạn sử dụng chuột cho các tác vụ hàng ngày và liên quan nhiều đến từng công việc cụ thể !!
4. Mức giá 1 triệu đến 3 triệu đồng
Tới phân khúc khoảng từ 1-3tr này, mình nghĩ rằng nhu cầu sử dụng của các bạn dần trở nên ở mức cao hơn, ví dụ như chơi game ở một cường độ nhiều, tryhard liên tục hay làm việc thì sẽ ở một mức độ lớn hơn, chuyên nghiệp hơn và cần những sản phẩm phải phục vụ tốt cho việc kiếm tiền như vậy. Chúng ta cũng hoàn toàn có thể đòi hỏi những sản phẩm không dây tới từ các hãng vì hiện tại công nghệ này đã dần trở nên phổ biến và áp dụng trên rất nhiều dòng khác nhau
Với con chuột đầu tiên phục vụ cho mục đích chính là gaming, mình sẽ recommend cho các bạn chuột Pulsar Xlite V2. Có thể nói đây là phiên bản copy giống tới 99% của dòng Zowie EC. Thừa hưởng được kiểu dáng và thiết kế như vậy nên chắc chắn bạn không cần quá lo lắng về việc cầm lâu dài có bị mỏi hay không. Xlite V2 còn có cả size thường và size mini phù hợp cho nhiều kiểu tay khác nhau, cũng như có một chất build rất cứng cáp dù là chuột lỗ. Sử dụng mắt đọc 3370 thuộc hàng khá tốt trong các loại mắt đọc cho game FPS nên bạn có thể yên tâm sử dụng rất nhiều giờ chơi game mà không cần đắn đo về hiệu năng của nó. Tuy vậy nếu như bạn vẫn còn những yêu cầu khắt khe hơn nữa, cần cho mình một cỗ máy đích thực hơn nữa thì Razer DA V3 phiên bản có dây sẽ là sản phẩm đeo lại hiệu quả cao nhất trong tầm giá này. Bỏ qua việc đây là con chuột có dây, thì bạn có thể hiểu đơn giản rằng, đây là phiên bản DA V3 Pro cắt bỏ đi phần dây, giữ lại toàn bộ những giá trị cốt lõi mà một con chuột được tin dùng bởi rất nhiều proplayer, tăng thêm Polling Rate là 8000Hz nữa. Với những thông số phần cứng như vậy, cùng cân nặng nhẹ chỉ 59g, build thuộc hàng tốt nhất trong các dòng chuột gaming hiện tại thì với mức giá khoảng 1 triệu 6, bạn sẽ nhận được một siêu phẩm đích thực. Nếu cảm thấy dây vẫn còn chút lằng nhằng với góc setup của bạn, chỉ cần bỏ ra thêm chút tiền để mua bungee, nếu cần đẹp và độc có thể tham khảo thêm dòng Razer Bungee V3 Chroma, đồng bộ với các sản phẩm của nhà Rắn giúp cho bạn trở nên ngầu hơn và góc gaming ấn tượng hơn nữa
Nếu như bạn là một người cần cân bằng giữa làm việc và chơi game, mỗi thứ một ít thì không thể bỏ qua Asus ROG Keris Wireless và Darmoshark N3. Hai con chuột này có điểm khá tương đồng nhau vì nhìn từ bên ngoài vào, trông rất giống những con chuột đối xứng nhưng thực tế lại là kiểu dáng công thái học. Vì như mình đã phân tích bên trên, hiện tại có rất nhiều hãng đang thay đổi thiết kế, đem tới trải nghiệm mới hơn thì việc kết hợp giữa những đặc điểm cũ của chuột CTH, làm thêm hai phần bằng nhau của click và một ít của chuột đối xứng, sẽ giúp cho trải nghiệm khác biệt đi khá nhiều. Những đặc điểm vốn có của những dòng CTH vẫn được giữ lại như khi các bạn lật chuột lên, vẫn sẽ thấy những đường cong được gọt vào để ôm lấy các phần ngón tay hơn. 2 con chuột này đều phù hợp cho gaming và làm việc sở dĩ vì nó đều có kết nối 3 mode là có dây, không dây 2.4ghz và bluetooth, tương thích tất cả các hệ điều hành hiện có. Nếu chơi game nhiều hơn làm việc, bạn nên hướng tới dòng N3 của Darmoshark vì mắt đọc flagship rất cao cấp 3395 được sử dụng, rất ít sản phẩm ở tầm giá chỉ hơn 1tr làm được, còn nếu cân bằng hơn giữa cả 2 mục đích thì sản phẩm chuột của Asus nên được cân nhắc và bỏ vào túi của bạn
Với dòng chuột thiên về văn phòng thì sao ? Chắc chắn ở trong mức tiền này, bạn không thể bỏ qua hoặc đã từng một lần nghe tới dòng MX Master của Logitech, một con chuột được coi là quốc dân và được tin dùng bởi rất nhiều bạn thuộc các hệ làm việc khác nhau. Với phiên bản mới nhất là Master 3 và 3s, bạn sẽ được tối ưu tất cả các setting và ứng dụng trong từng phần mềm làm việc cụ thể ở cả windows và mac os vì sẽ có thêm phiên bản For Mac. Về kiểu dáng thì đương nhiên, đây là một con chuột theo thiên hướng CTH nhưng khá dị, khi nó được làm cực kì cao ở phần lưng và vát xuống khá sâu ở phần click. Nhưng chính làm điều này đã giúp cho việc khi sử dụng làm việc, bạn sẽ không cảm thấy mỏi tay trong khoảng thời gian dài, và nó sẽ chỉ phù hợp với những bạn có khổ tay trung bình và to. Ngoài ra, ở phần ngón cái áp vào, sẽ được làm hõm vào bên trong cũng như có thêm một phần nhựa dạng mềm được thiết kế thêm, để bạn có thể áp ngón út khi cần và thực hiện các thao tác đơn giản hơn, tiết kiệm thời gian hơn. Do đó nên cũng đã có một số hãng thiết kế theo kiểu như này, điển hình là Razer với dòng Pro Click cũng khá được ưa chuộng trong khoảng thời gian gần đây. Với Pro Click, mình thấy các chi tiết được cắt gọt và bo tròn hơn, đem lại sự tinh tế hơn nếu các bạn nhìn từ ngoài vào. Kích thước của nó cũng không phải quá to nên dù tay nhỏ hay lớn thì vẫn có thể vừa vặn với con chuột này. Tuy vậy, ở phần ngón cái áp vào thì mình lại thấy nó làm chưa được chỉn chu và thoải mái như dòng MX Master 3. Những con chuột thuần về làm việc như này, được trang bị con lăn vô cực là điểm mình thấy rất thích, cuộn rất thoải mái và có một độ trơn nhất định. Sử dụng cho các tác vụ khác nhau hàng ngày mình không gặp chút vấn đề nào cả, thực sự 2 sản phẩm trên đáp ứng rất tốt
5. Mức giá 3 triệu đến 5 triệu đồng
Cuối cùng là ở mức giá rất cao từ 3-5tr. Ở phân khúc chuột chơi game, sẽ không hề ngần ngại hay đắn đo khi 2 sản phẩm DA V3 Pro và dòng Zowie EC Wireless được mình liệt kê vào trong danh sách. Bài chi tiết, đánh giá cụ thể qua từng giai đoạn sử dụng đã được mình làm rất rõ ở trong các video trước đây mà các bạn có thể theo dõi thêm ở kênh. Với 2 dòng chuột này, các proplayer tin tưởng sử dụng rất nhiều ở các tựa game FPS chính như CSGO, Valorant nên các bạn hoàn toàn có thể yên tâm về chất lượng cũng như trải nghiệm sử dụng đem lại. Với cả nhân mình, mình vẫn ưa thích kiểu dáng CTH của dòng EC hơn, vì mức độ thoải mái và ôm tay mà nó đem lại nếu so sang với dòng DA V3 Pro. Tuy vậy, việc sử dụng lớp phủ bóng là trở ngại rất lớn khiến cho mình cũng như khá nhiều người dùng còn lăn tăn, vì độ bền sẽ bị ảnh hưởng nhiều, không như lớp phủ nhám và rất đẹp trên chuột của Razer. Chính vì vậy, nếu như bỏ qua tất cả mà chỉ chọn theo kiểu dáng, sự ưa thích và quen thuộc, theo dạng ăn chắc mặc bền thì bạn nên chọn Zowie EC wireles, còn không thì DA V3 Pro của Razer sẽ là một sự lựa chọn tổng thể chi tiết tốt hơn.
Tiếp đến, một con chuột cực kì hay mà mình muốn giới thiệu thêm cho những bạn làm việc hay chơi game nhẹ nhàng, đó là dòng Basilisk V3 Pro của Razer. Đây là một con chuột theo kiểu dáng Basilisk truyền thống, cũng được lấy cảm hứng từ dòng Mx Master ở chi tiết phần bên trái chuột, nơi bạn áp ngón tay vào thì phần này được làm nhô ra, mình thấy cầm vào còn thoải mái hơn cả dòng Pro Click chuyên về văn phòng. Tuy vậy thì những đặc điểm mang tính chất “là một con chuột gaming” vẫn được giữ nguyên với dải led RGB cực kì ấn tượng, kích thước khá nặng và đầm trong một thân hình như vậy thì bạn cũng nên cân nhắc nếu như là một người có tay nhỏ.
6. Tổng kết
Như vậy trên đây là toàn bộ phần chia sẻ và đánh giá cụ thể của mình về việc tại sao bạn nên sử dụng chuột công thái học cho nhiều mục đích khác nhau cũng như cách để chọn một sản phẩm ưng ý nhất cho bản thân. Cảm ơn các bạn đã theo dõi